/* Adsense */ Tử vi nghiệm lý 24. Lá số Phan Bội Châu ~ Đông Phương Lý Số

Tử vi nghiệm lý 24. Lá số Phan Bội Châu

MỘT NHÀ ĐẠI VĂN HÀO CÁCH MẠNG LÀ CỤ
PHAN BỘI CHÂU
Lòng kính ngưỡng của đồng bào đối với cụ Phan Bội Châu từ trước tới nay như một tôn giáo . Năm 1925 ngày cụ bị bắt và bị kết án tử hình thì lòng sôi nổi của quốc dân Việt Nam, nhất là thanh niên, sinh viên cho đến nho gia sĩ giới như đối đầu hẳn trước thực dân xâm lược. Viên toàn quyền Varenne phải khéo léo, mượn danh nghĩa đảng viên xã hội Pháp ký quyết định ân xá cho cụ để làm dịu bớt lòng phẫn nộ của toàn dân đã dặt hết  tín nhiệm như bất diệt, như khinh thường mọi hiểm nguy , ngay cả bọn bán rẻ lương tâm cũng không giám một lời ngụy biện.

Cụ sanh năm Đinh Mão (1867) ngày 11 tháng 5 giờ Sửu .

Cũng như cụ Phan Khắc Sửu, mệnh cụ Phan Bội Châu đóng ngay ở thế bất mãn, lòng dạ đã sớm băn khoăn việc nước, việc đời, tình non sông nghĩa đồng bào, Sào Nam tiên sinh hành động minh bạch như đôi vầng Nhật Nguyệt sáng lạng phi thường như trong bản số (Thái Dương ở Hợi đắc Tuần, Thái Âm ở Mão đắc Triệt).



Tuổi Đinh Mão mà gặp Cự Môn, Hóa Kỵ thủ mệnh là cái thế nguy nan của người có số, nhưng còn nhiều nợ đời phải trả nên hóa công đặt cho cái thế quân bình về mạng sống ở Tỵ cung nên cụ trải qua bao sự nguy khốn mà vẫn trường tồn cùng tổ quốc đến 74 tuổi. Thân đắc Thiên Lương ở Mùi là cái cách của nho gia quân tử (giáp Tả Hữu, Thai Tọa) cứng đầu bất khuất thông minh quán chúng (Âm Dương lạc hãm Thọ đắc Tuần Triệt). Đó có phải là sĩ khí của dòng dõi nhà tiên sinh từ cụ Tú Phan Văn Thổ thân sinh ra cụ (Phúc Đức).

Cụ nổi tiếng văn hay chữ tốt đậu đầu xứ Nghệ An, rồi giải nguyên văn chương cả 4 kỳ thi đều được phê ưu hạng (Riêu, Xương, Mộc – Khúc, Khoa – Việt) nhưng với nhà cách mạng nặng lòng vì nước vì dân cụ cho là hư văn. Dù sao cũng nhờ cái hư văn đó để cụ thành danh viết Lưu Cầu Huyết Lệ Thư cảnh tỉnh quốc dân, rồi cụ soạn tác phẩm khuyên thanh niên du học lúc cụ ở Trung Hoa gửi về nước vận động cho thanh niên sang Nhật.

“Việt Nam Vong Quốc Sử” là một cuốn Sử tuyệt phẩm đặt cụ Sào Nam vào địa vị một đại văn hào cách mạng, kể hết nguyên nhân về nạn quốc phá gia vong, những anh hùng liệt sĩ, những chính sách bóc lột của thực dân được Lương Khải Siêu tiên sinh, một danh sĩ Trung quốc viết lời giới thiệu với đồng bào của tiên sinh biết cái thảm cảnh của Việt Nam đang diễn chuyển.

Đời cụ phiêu lưu nay đây mai đó bắt đầu từ năm 1904 tức 37 tuổi, 20 năm ròng rã cụ sáng tác rất nhiều văn phẩm về tài liệu cách mạng cũng như về văn học dịch học. Sau Việt Nam Vong Quốc Sử  đến “Ngục Trung Thư” là một tập văn cụ viết trong ngục Quảng châu khi bị Long Tế Quang bắt định bán cho Pháp, gây mối xúc động lớn cho toàn thể quốc dân và tạo cho cụ một cái thế mạnh vô biên sau này ngăn cản kẻ xâm lăng hành quyết cụ lúc cụ bị giải từ Hàng Châu về Hà Nội (Cơ Lương ngộ Hình đắc Khoa).

Trên dòng Hương Thủy ngắm cảnh non Bình gần 20 năm cụ bị an trí coi chừng, nhưng lòng dạ vẫn khôn nguôi nỗi mình, nỗi nước:

Sinh rằng từ thuở tương tri
Tấm thân vốn sẵn nặng vì nước non
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn đáy sông.


là những câu thường ngày cụ già bến Ngự hay ngâm nga hồi tưởng những lúc chim bằng vẫy cánh tung bay khắp trời Đông Á cất tiếng kêu thương, nhắn nhủ những ai nơi viễn phương hãy thận trọng trong bước đường cứu nước.



Cuối năm 1939 thế chiến thứ II  phát khởi cũng là năm cụ 73 tuổi, mình già sức yếu, biết rằng thời của mình 10 năm đã trôi qua mất quá nửa, cái hoài bão của Khương Thái Công ngồi câu ở Thạch Bàn Sơn mong chờ một Chu Văn Vương vẫn một ngày vắng bóng.

Cái thời của Sào Nam Tiên Sinh là cái thời của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu cho đến Cựu Hoàng Bảo Đại cũng trong cái thế bình thản với cái vinh dự về tinh thần nhiều hơn là đắc thế . Mệnh cụ bị đặt trong cai thế hắc ám bất mãn, nhờ ở thế quân bình thủy hỏa mà tồn tại, cụ phản ứng bằng cái Thân ở Phúc Đức của một chính danh quân tử thông minh quán chúng, nghị lực bẩm sinh ra đã thọ đắc ngay lúc ra đời nên 1 đời trôi nổi nhiều khi một thân một mình nơi đất khách, tử thần sát nách, vẫn một dạ trung kiên, phấn đấu không lùi. Ngày 29 tháng 9 năm Canh Thìn (1940) để lại cho toàn dân Việt Nam một lòng kính ngưỡng , bùi ngùi nhớ tiếc. Cụ Phan Bội Châu ra đi để lại cho thư viện Quốc Gia một số văn phẩm có thể nói là quá nhiều đối với đời phiêu lưu của một nhà đại cách mạng.

Xin trân trọng cúi đầu thành kính trước anh linh vị đại văn hào cách mạng Việt Nam.

 
Design by Đông Phương Lý Số | Bloggerized by dongphuonglyso.com - Broadcast Real Information | Đông Phương Lý Số